Xạ trị gia tốc trong điều trị ung thư là kỹ thuật điều trị nằm trong Đề án Bệnh viện vệ tinh với Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh của tỉnh Cà Mau và hệ thống xạ trị gia tốc tuyến tính ở Cà Mau là đơn vị thứ hai ở ĐBSCL được đưa vào hoạt động. Tổng giá trị đề án hơn 76,7 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh 71,6 tỷ đồng, còn lại nguồn của Bộ Y tế.
Giáo sư - Bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng cho biết: “Cà Mau là địa phương xa so với trung tâm y tế TP Hồ Chí Minh. Do vậy, việc khánh thành và đưa vào sử dụng hệ thống xạ trị gia tốc tuyến tính tại đây là kết quả hết sức khả quan cho địa phương trong công tác chăm sóc sức khoẻ bệnh nhân”.
Trước đó, đầu tháng 7/2022, Khoa Ung bướu Bệnh viện Đa khoa Cà Mau đã tiến hành xạ trị cho những bệnh ung thư vú đầu tiên ở tỉnh. Việc phát triển kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu tại Bệnh viện Đa khoa Cà Mau không chỉ giúp bệnh nhân ung thư được điều trị tại địa phương, giảm chi phí, tiết kiệm thời gian, mà còn góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của ngành y tế tỉnh nhà.
Tính đến thời điểm này, Bệnh viện Đa khoa Cà Mau đã tiếp nhận 165 ca xạ trị. Trong đó, 137 ca ung thư vú; 20 ca ung thư trực tràng; 5 ca ung thư đầu, cổ; 2 ca xạ trị giảm nhẹ; 1 ca ung thư cổ tử cung.
Để vận hành được hệ thống này, đội ngũ bác sĩ, kỹ sư và kỹ thuật viên (trình độ đại học và sau đại học) của Khoa Ung bướu Bệnh viện Đa khoa Cà Mau đã được đào tạo chuyên sâu về xạ trị tại Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh và đã tiếp nhận thành công kỹ thuật điều trị ung thư phức tạp này.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn